Trung tâm Bảo trợ NNCĐ da cam và trẻ em bất hạnh Thành phố Đà Nẵng

1. Tình hình chung :

a.  Tên Trung tâm : “Trung Tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng”

Tên giao dịch quốc tế : Da Nang Center supporting for agent orange victims

Cơ sở 3 tại tổ 6 thôn Phước Hưng xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang

Cơ sở 1 tại số 15 đường Nguyễn Văn Huề, Phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

b. Ngày thành lập : Trung tâm được Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng cho phép thành lập theo Quyết Định số 3184/QĐ-UB ngày 22/05/2006.

Đại diện :  Ông Nguyễn Văn An – Giám Đốc Trung Tâm

Số tài khoản : 42111100767717

Tên tài khoản : Trung Tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng

Tại Ngân hàng Phát Triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long CN Đà Nẵng

c. Loại hình : là trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo nghề, phục hồi chức năng cho trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam và trẻ em bất hạnh với hình thức bán trú.

d. Cơ quan chủ quản :  Trung tâm thành lập trực thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam Tp Đà Nẵng, Trung tâm chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam thành phố, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của Nhà nước

e. Chức năng và mục đích hoạt động

Giúp Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác của các tổ chức quốc tế, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, dạy học ….cho trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh  được nuôi dưỡng tại trung tâm theo quy định của Nhà nước.

Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp, hoạt động xã hội vì mục đích từ thiện

Nội dung hoạt động tại trung tâm :

– Chăm sóc, nuôi dưỡng, trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam và trẻ em bất hạnh theo hình thức bán trú.

– Phục hồi chức năng , vật lý trị liệu bằng nhiều hình thức khác nhau

– Dạy học, Dạy nghề: thêu, may gia công, làm hương gia công, kết cườm, làm hoa, điện cơ, điện tử..

– Tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát giải trí giúp các cháu ban đầu giúp các cháu giảm đi stress, trầm cảm và tự tin hơn,  từng bước phục hồi dần các chức năng về thế chất và trí tuệ,  sớm hoà nhập cộng đồng.

2. Cơ cấu tổ chức và cán bộ, viên chức của Trung tâm :

a. Ban giám đốc : Gồm 1 giám đốc và 02 phó giám đốc

– 01 Giám đốc : Ông Nguyễn Văn An ( Chủ tịch Hội kiêm nhiệm)

– 02 Phó giám đốc :  – Bà Võ Thị Thu ( Đảng viên)

                            – Ông Bùi Trung Hiếu ( Đảng Viên )

b.    Các phòng ban chuyên môn

– Ban giám đốc

– Bộ phận Công tác xã hội

– Bộ phận Giáo dục đặc biệt

– Bộ phận hướng nghiệp

– Hành chính

Bên cạnh, vì điều kiện kinh phí còn khó khăn nên một số đồng chí tại Văn phòng Hội kiêm nhiệm thêm các chức năng tại Trung tâm : cụ thể Chủ tịch Hội kiêm Giám đốc Trung tâm, 01 phó chủ tịch Hội phụ trách đối ngoại kiêm công tác đối ngoại, xây dựng dự án tại Trung tâm, 01 Phó chủ tịch về công tác xã hội kiêm công tác xã hội, phong trào, Kế toán Hội kiêm kế toán Trung tâm thủ quỹ , văn thư  và lái xe cũng kiêm nhiệm nhiệm vụ tại Trung tâm.

c.Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, viên chức tại các cơ sở thuộc Trung tâm : đa số cán bộ làm việc tại Trung tâm chưa qua đào tạo cơ bản về công tác xã hội, Trung tâm luôn chú trọng vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, thường xuyên gửi các cán bộ theo học các khóa đào tào ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, về phục hồi chức năng, về giáo dục đặc biệt….do Cục bảo trợ xã hội, Sở Lao động TBXH, Unicef….tổ chức, cử 01 cán bộ đi học tập về công tác chăm sóc trẻ khuyết tật với thời gian 2 tháng tại Hà Nội do tổ chức VNAH tài trợ, tạo điều kiện cho 1 nhân viên vừa đi học tập toàn thời gian nhưng vẫn nhận lương hàng tháng, bên cạnh đó Trung tâm còn tổ chức cho đội ngũ cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các cơ sở như Làng Hữu Nghị, một số Trung tâm tại HCM.

d. Các chế độ và phụ cấp với cán bộ làm việc : vì Trung tâm hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí vận động được, đa số thông qua việc triển khai các dự án hỗ trợ Trung tâm, vì vậy các cán bộ ở Trung tâm được hợp đồng ngắn hạn trên tinh thần tự nguyện là chính, bên cạnh lương được hưởng theo năng lực, thì còn hỗ trợ xăng xe, thưởng lễ tết, áp dụng việc tăng lương đối với các cán bộ làm việc lâu dài có trách nhiệm cao, đặc biệt Hội còn mua BHYT và BHXH theo đúng quy định cho đội ngũ cán bộ ( trừ 02 trường hợp là người khuyết tật hiện Trung tâm đang nghiên cứu để tìm hướng giải quyết). Đối với đội ngũ cán bộ có bằng cấp, đã qua đào tạo thì được hợp đồng trả lương theo đúng quy định để động viên, thu hút, đối với lao động phổ thông thì áp dụng theo hệ số lương tối thiểu đúng với quy định.

2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở thuộc Trung tâm :

a.    Điều kiện về vị trí, môi trường :

Cơ sở 1 : Nằm trên địa chỉ số 15 đường Nguyễn Văn Huề, Phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, do Ngân hành BIDV tài trợ

– Cơ sở 3 : là cơ sở nằm tổ 6 thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, được UBND thành phố cấp đất để xây dựng làm cơ sở 3, được Unicef hỗ trợ gần 330,000 USD để xây dựng, mua sắm trang thiết bị, và đặc biệt là 1 xe ô tô 16 chỗ để phục vụ việc đưa đón các cháu hằng ngày…

b. Trang thiết bị trong phòng : tùy vào chuyên môn từng phòng mà trang bị trang thiết bị phù hợp, nhìn chung các phòng tại 03 cơ sở đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho các cháu.

Quy trình, thủ tục tiếp nhận trẻ :

+ Hồ sơ thủ tục gồm có : 01 đơn xin vào Trung tâm và 1 bản cam kết về tình hình sức khỏe của cháu, được chính quyền địa phương xác nhận, 01 giấy khai sinh hoăc bản sao có công chứng

+ Sau khi có đầy đủ hồ sơ thủ tục, cán bộ Hội sẽ đến gia đình để khảo xác và kiểm tra thực tế các cháu có đủ điều kiện để vào sinh hoạt tại Trung tâm.

+ Điều kiện để trẻ vào Trung tâm : có khả năng đi lại và tự vệ sinh được, có hoàn cảnh gia đình khó khăn,

c. Điều kiện, quy trình, thủ tục dừng hoặc chuyển đổi hình thức nuôi dưỡng : việc dừng nuôi dưỡng xảy ra đối với trường hợp sau

– Trẻ đủ 18 tuổi và gia đình có nhu cầu đưa trẻ về với gia đình

– Trẻ sau thời gian đã có nhiều tiến bộ, có thể hòa nhập cộng đồng và gia đình có nhu cầu cho trẻ về với cộng đồng.

– Trẻ học nghề tại Trung tâm sau khi đã hoàn thiện tay nghề, Trung tâm hoặc gia đình tìm cho cháu nơi làm việc ổn định.

– Trẻ bị bệnh và chết.

d. Lập, quản lý và lưu trữ hồ sơ đối tượng :Hồ sơ đối tượng bao gồm các hồ sơ liên quan đến việc tiếp nhận trẻ và dừng nuôi dưỡng được quản lý và lưu trữ tại bộ phận văn thư tại Trung Tâm, việc lưu trữ đảm bảo theo đúng các quy định của công tác văn thư lưu trữ, vì hồ sơ có thể còn sử dụng vào việc dừng nuôi dưỡng hoặc tương lai của trẻ sau này.

4. Chế độ nuôi dưỡng đối tượng quản tại cơ sở :

– Các chế độ cho trẻ : – Ăn trưa, ăn xế chiều, sữa

Việc tổ chức ăn, ở, sinh hoạt cho cháu :

+ Việc ăn uống cho trẻ : đáp ứng đầy đủ về nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, hằng ngày bộ phận dinh dưỡng tại trung tâm lên kế hoạch về thức ăn hằng ngày, tổ chức cho trẻ ăn theo nhóm, đối với trẻ khó khăn trong việc ăn uống thì cán bộ, công nhân viên Trung tâm giúp đỡ. Trung tâm luôn chú trọng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ hằng ngày

+ Việc sinh hoạt, ở cho các cháu : các cháu đến Trung tâm từ lúc 8h đến 16h hằng ngày, thời gian ngủ trưa từ 12h đến 2h hằng ngày, việc bố trí cho trẻ ngủ trưa xét theo giới tính của trẻ.

+ Về trang cấp đồ dùng sinh hoạt vệ sinh cho trẻ : mỗi trẻ là nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm được cấp 1 áo đồng phục,  khăn lau mặt và ly uống nước.

5. Về học tập, học nghề, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí :

a. Về học văn hóa :

– Số lượng trẻ : gồm có 150 trẻ, hầu hết các trẻ tại Trung tâm là trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, nên các cháu không thể đến học tại các trường bình thường khác.Trung tâm xác định việc dạy văn hóa cho các cháu không đặt nặng mục tiêu, chỉ giúp các cháu từng bước tiếp thu với mặt chữ và các phép tính đơn giản, có nhiều trẻ trước đó được gia đình đưa đi học tại các trường bên ngoài nhưng không có kết quả nên quyết định cho cháu thôi học.  Hầu như gần 100% trẻ đến trung tâm là không thể theo học các trường và trung tâm xã hội khác ngoài cộng đồng.

– Tùy vào từng loại bệnh của các cháu mà Trung tâm phân loại, áp dụng các hình thức dạy học, gồm có lớp dạy văn hóa, lớp dạy trẻ khiếm thính, đối với những cháu không thể học được thì cho các cháu áp dụng các hình thức vui chơi, học vẽ, hát…giúp các cháu từng bước hồi phục dần các chức năng về vận động và trí tuệ, hòa nhập cộng đồng.

– Trung tâm hợp đồng 2 cán bộ dạy văn hóa và khiếm thính cho các cháu tại mỗi cơ sở 3 buổi/tuần.

– Trung tâm được các nhà hảo tâm hỗ trợ về bàn ghế và dụng cụ học tập.

b. Học nghề : sau khi phân loại trẻ, trung tâm áp dụng các hình thức học nghề cho các cháu tại Trung tâm, trong đó gồm có : nghề may, vi tính, làm hoa vôn, kết cườm, làm nhang.

Học may

– Nguyện vọng nghề của trẻ : một số trẻ học may có nguyện vọng sau khi hoàn thành tay nghề sẽ trở lại cộng đồng tìm việc để cố thể tự nuôi sống được bản thân ( hiện đã có 6 trẻ sau khi đào tạo đã tìm được việc làm tại cộng đồng với các nghề may, gia công với mức lương từ 2 -2,5 triệu tháng, bên cạnh đó còn có số em không thể hòa nhập cộng đồng đã quay trở lại Trung tâm vì đã gắn bó với bạn bè, thầy cô và xem như 01 gia đình)

Học kết cườm, làm hoa vôn

Học làm hương

c. Về chăm sóc sức khỏe

– Trung tâm hợp đồng với cán bộ y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần đối với các trẻ là nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm, bên cạnh đó còn thường xuyên hợp tác với các y bác sĩ tại các trung tâm y tế gần nhất để khám phát hiện bệnh cho trẻ.

– Mỗi trung tâm đếu có Tủ thuốc y tế và các dụng cụ y tế sử dụng cho việc sơ cứu tại Trung tâm.

– Tại cơ sở 1 và cơ sở 3 thuộc Trung tâm đều có Phòng phục hồi chức năng và tập luyện vật lý với đầy đủ các trang thiết bị về phục hồi chức năng, tập luyện cho trẻ.

– Về việc phẩu thuật chỉnh hình, trong thời gian qua có 2 cháu tại Trung tâm được Bệnh viện Phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình tiến hành phẫu thuật và chỉnh hình.

d. Về hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí :

– Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi : Trung tâm là địa chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các đoàn thể, đoàn thanh niên, học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi ca hát, cán bộ tại Trung tâm giành nhiều thời gian vào việc tập luyện cho các cháu ca hát, nhảy múa, đặc biệt đối với các cháu khuyết tật, vơi mục đích thông qua các hoạt động này sẽ từng bước giúp các cháu hồi phục dần các chức năng về vận động và trí tuệ, tự tin hơn và hòa nhập với mọi người.

– Phục vụ việc vui chơi ca hát cho các cháu, trung tâm thường xuyên nâng cấp hội trường vui chơi, trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh phục vụ việc ca hát văn nghệ của các cháu. Đây là hoạt động có hiệu quả cao giúp các cháu giảm stress, hồi phục dần các chức năng về vận động về trí tuệ.

– Bên cạnh đó, trung tâm còn đăng ký cho các cháu tham dự các chương trình giải trí do các đơn vị có liên quan tổ chức, ví dụ như tham gia và đạt giải khuyến khích cuộc thi Paragame tại Huế, thi và đạt giải Đội lân ấn tượng tại cuộc thi Lân Vui Hội Trăng Rằm do Sở Lao động phối hợp với Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi tổ chức, tham dự cuộc thi vẽ tranh dành cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội.

– Trong những năm qua, với mục đích giúp nâng cao tình thần cho các cháu, Trung tâm đã tổ chức 02 lần cho các cháu đi thăm Nhà sàn Bác Hồ, tổ chức đi xem phim 3D tại rạp Cinemex, tham quan Bà Nà, các chương trình giao lưu ca nhạc truyền hình trực tiếp….

e. Tổ chức lao động, sản xuất :

– Các hoạt động lao động sản xuất :

+ Gia công làm hương

+ May gia công

+ Trồng trọt, chăn nuôi

+ Làm hoa vôn, kết cườm

–        Cách thức tổ chức :

+ Gia công làm hương : áp dụng đối với các trẻ bị khuyết tật nhẹ, Trung tâm nhận nguyên liệu về cho các cháu làm ra sản phẩm, lấy công làm lợi nhuận

+ May gia công : áp dụng đối với các trẻ bị khuyết tật nhẹ, trẻ câm điếc, Trung tâm nhận nguyên liệu về cho các cháu làm ra sản phẩm, lấy công làm lợi nhuận

+ Trồng trọt, chăn nuôi : áp dụng tại cơ sở 3 thuộc Trung tâm, cung cấp nguồn rau và thực phẩm sạch hằng ngày cho các trẻ tại 03 cơ sở thuộc Trung tâm.

+ Việc sử dụng thành quả từ hoạt động của lao động sản xuất : việc nhận gia công các mặt hàng may, nhang tại cơ sở một mặt giúp tạo nghề cho các cháu, giúp các cháu từng bước tiếp cận với các dịch vụ nghề nghiệp, bên cạnh đó, nguồn thu lại tuy không nhiều nhưng thực sự là nguồn động viên rất lớn cho trẻ tại Trung tâm.

****Những thuận lợi và khó khăn :

– Thuận lợi :

+ Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nên trong những năm qua, hoạt động tại Trung tâm ngày càng được mở rộng và phát triển, việc chăm sóc, giáo dục, phục hồi trẻ đạt hiểu quả cao. Đa số các trẻ hòa nhập cộng đồng rất nhanh, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

+ Đội ngũ cán bộ, công nhân viên Trung tâm nhiệt tâm, làm việc không kể thứ 7, chủ nhật, không kể ngày đếm, hết lòng chăm sóc trẻ nên phần lớn trẻ và gia đình hài lòng với sự tiến bộ của trẻ trong thời gian học tập tại Trung tâm. Hiệu quả chăm sóc trẻ rất rõ rệt, nhiều trử ban đầu từ chỗ bị trầm cảm, thậm chí đánh lại cả bạn bè, thầy cô nhưng nay đã hòa nhập, học tập và tự tin ca, hát, gia đình trẻ rất vui vì sự tiến bộ hằng ngày của các cháu.

+ Vì hiệu quả đạt được của Trung tâm nên trong thời gian qua, mô hình hoạt động của Trung tâm được Trung ương Hội, Cục bảo trợ xã hội, lãnh đạo thành phố cùng các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao và quan tâm nhiều hơn, tạo cơ sở quan trọng cho Hội để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

– Khó khăn

+ Trung tâm hoạt động dựa trên nguồn kinh phí vận động được nên nhiều lúc còn khó khăn trong việc tổ chức và duy trì các hoạt động chăm sóc, dạy nghề, PHCN cho trẻ tại Trung tâm, đặc biệt việc trả lương cho đội ngũ cán bộ phục vụ tại Trung tâm.

+ Đội ngũ cán bộ tại Trung tâm nhiệt tâm nhưng vì đa số chưa qua đào tạo cơ bản nên đôi lúc còn vướng nhiều hạn chế trong công việc.

+ Việc tìm đầu ra để hòa nhập các cháu trở về cộng đồng còn hạn chế vì đa số các cháu không thể tự hòa nhập.

                                                                                                                                                                                                                                                      DAVA  – TT