Con cái của các cựu chiến binh
người Mỹ và Australia, từng tiếp xúc với chất độc màu da cam trong thời
gian chiến tranh ở Việt Nam, có nguy cơ mắc một loại bệnh bạch cầu cao
hơn bình thường. Đó là kết luận của bản báo cáo “Cựu chiến binh và chất
độc màu da cam, cập nhật 2000” vừa được Mỹ đưa ra hôm 19/4.
Báo cáo này được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, nhằm đáp ứng
đòi hỏi ngày càng tăng của các cựu chiến binh và thân nhân của họ. Sau
khi phân tích các dữ liệu khoa học mới nhất, trong đó có 3 công trình
nghiên cứu lớn mới được công bố năm ngoái, Viện Y khoa của Mỹ lần đầu
tiên đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu cấp thể tuỷ (AML) và thuốc
trừ sâu. AML là một bệnh ung thư phát triển rất nhanh, có nguồn gốc từ
các tế bào tuỷ. Nó chiếm khoảng 8% các bệnh ung thư ở trẻ em. Khi bị
bệnh, trẻ thường chỉ sống thêm được 2 năm.
Cơ sở khoa học
3 nghiên cứu được đề cập tới trong bản báo cáo:
– Điều tra 5.000 cựu chiến binh người Australia cho thấy, con cái họ có
nguy cơ bị bệnh AML cao hơn 3-6 lần so với trẻ khác. Mối liên hệ này rõ
nét nhất ở những trẻ mắc bệnh từ khi còn nhỏ. Điều này càng chứng tỏ
bệnh có thể do cha mẹ truyền sang.
– Nghiên cứu so sánh cha của 500 trẻ mắc bệnh AML và cha của những trẻ
không bị bệnh này cho thấy, tỷ lệ những ông bố đã tham gia chiến tranh ở
Việt nam và Campuchia trong nhóm 1 cao hơn 1,7 lần so với nhóm 2.
– Nghiên cứu thứ 3 cho thấy, con cái của những người đàn ông tiếp xúc
nhiều với thuốc trừ sâu trong công việc hay bị bệnh AML hơn so với con
của những người đàn ông khác.
Báo cáo này cũng khẳng định lại những kết luận trước đây về mối liên hệ
giữa thuốc trừ sâu và ung thư phần mềm, bệnh Hodgkin (một loại ung thư
hạch ác tính) và u limpho không Hodgkin ở các cựu chiến binh. Nghiên cứu
bổ sung cũng cho thấy, có sự liên quan giữa chất độc màu da cam và các
bệnh: tiểu đường, ung thư đường hô hấp, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư
tuỷ và tật nứt đốt sống.
Một kết luận hết sức quan trọng
Đó là đánh giá của ông Anthony J. Principi, Bộ trưởng Cựu chiến binh
Mỹ. Ông cho biết, Tổng thống Bush đã ra lệnh chuẩn bị một dự luật cho
phép trợ cấp những trẻ mắc bệnh này. Bà Irva Hertz-Picciotto, Giáo sư
dịch tễ học Đại học Bắc Carolina, người chịu trách nhiệm về bản báo cáo
này cũng đưa ra nhận xét: “Điều đáng kể là đây là thế hệ thứ hai có thể
bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam”.
Rick Weidman, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tham gia chiến tranh ở
Việt Nam của Mỹ tỏ ý hết sức vui mừng trước kết luận này. Tuy nhiên,
theo ông, có một điều đáng buồn là hầu hết các trẻ này không còn nữa.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình hỗ trợ cho những cô con
gái bị dị tật bẩm sinh của các cựu chiến binh Mỹ.
Trong thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải lên nước ta khoảng 86
triệu lít thuốc trừ sâu, trong đó chất độc màu da cam là thành phần được
biết đến nhiều nhất. Từ trước tới nay, Chính phủ Mỹ vẫn chưa công nhận
mối liên hệ giữa chất độc này và dị tật bẩm sinh.